Thập Niên 60: Chủ Cửa Hàng Taobao

Chương 812

Rốt cuộc cũng là nơi đã sống cả đời. Tuy sống ở đây cũng rất tốt, nhưng vẫn luôn cảm thấy thiếu thứ gì đó.
Lâm Thanh Bách nói: "Vậy không thì chúng ta tìm lúc nào đó trở về thăm nhé."
"Được không, các cháu bận rộn như vậy mà." Bà Vu hỏi.
"Vẫn có thời gian về thăm ạ." Lâm Thanh Bách cười. Ông bà và cô vợ nhà mình đều muốn đi, không có thời gian cũng phải tìm thời gian.
Biết cha mẹ muốn về thăm quê, mấy đứa trẻ cũng la hét đòi đi. Hứa Nam Nam nghĩ, lần này trở về đoán chừng sau này cũng không có cơ hội nào nữa, dứt khoát dẫn theo ba đứa trẻ đi luôn.
Nói là muốn về thăm, nhưng cũng không dễ như thế. Mỗi người đều có việc riêng cần làm, mãi đến giữa tháng tư mới sắp xếp xong.
Một chiếc xe hơi nhỏ và một chiếc xe Jeep lái đến Nam Giang.
Lần này trở về quê hương, Hứa Nam Nam và Lâm Thanh Bách đều chuẩn bị về một cách kín đáo, không để cho mọi người nơi đó biết.
Dù sao với chức vụ của Lâm Thanh Bách như hiện giờ và cả sức ảnh hưởng của Hứa Nam Nam hiện tại, khi đến nơi thì chắc chắn sẽ nhận được sự tiếp đãi. Hai người cảm thấy không cần thiết, chuyện riêng của mình không cần phiền đến người khác khoản đãi.
Căn nhà ở ủy ban huyện Nam Giang đã bị thu hồi, có điều căn nhà ông bà họ Vu mua trước đó vẫn còn. Mọi người trong nhà cùng nhau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị qua đêm ở đây.
Trong nhà vừa có động tĩnh là mấy người hàng xóm đều đến, biết là Hứa Nam Nam và mọi người trở về, họ cùng đến phụ giúp dọn dẹp căn nhà rồi kể về những chuyện trong mấy năm qua.
Ông Vu và bà Vu thấy người quen thì vô cùng vui mừng. Biết một số người bạn già cũ đã đi trước thì thổn thức không thôi.
Nhưng cũng may lúc mấy người bạn già ra đi cũng được sống những tháng ngày tốt, không cần phải ăn cháo rau. Khi ra đi ai cũng vui vẻ ra đi.
Có sự góp sức của nhiều người, căn nhà nhanh chóng được dọn dẹp sạch sẽ.
Ông Vu và bà Vu ở trong nhà hồi tưởng về chuyện xưa với mấy người hàng xóm, Hứa Nam Nam và Lâm Thanh Bách dẫn ba đứa trẻ đi dạo.
Lần này trở về, Nam Giang quả thực đã phát triển khác biệt. Trên phố khắp nơi có thể gặp được những tiểu thương bán đủ thứ, những ngôi nhà hướng ra phố đã trở thành cửa hàng buôn bán ở khắp mọi nơi.
Một số công nhân trẻ đeo chiếc ví ghim vào thắt lưng, trong ví có một chiếc điện thoại ấn nút.
Đúng, không sai, không phải điện thoại di động cầm tay mười ngàn đồng một cái, mà là điện thoại ấn nút. Điện thoại ấn nút nhỏ xinh. Với mức lương một tháng của tầng lớp công nhân thông thường cũng có thể mua được.
Điện thoại được sản xuất tại khu công nghiệp miền Nam, giá cả cũng không cao.
Từng chiếc xe hơi nhỏ chạy qua chạy lại trên đường phố. Nhìn những chiếc xe hơi do nước mình tự sản xuất, ông chủ đang ngồi trong đó nở một nụ cười đầy tự hào, thỉnh thoảng thấy có người thì sẽ quay cửa sổ xuống và chào hỏi người bên cạnh.
"Mua xe rồi à?" Có người quen hỏi.
"Đúng vậy, hiệu Năm Sao đấy. Nói về ô tô thì cái mà nước ta sản xuất vẫn tốt hơn, của nước ngoài không ổn lắm, động cơ nhanh hư." Chủ xe ưỡn bụng, cười híp mắt nói: "Đừng thấy chiếc xe này không đắt mà chê, còn được bán xuất khẩu luôn đấy. Người bán xe đó nói giá cả bán ra nước ngoài gấp đôi giá trong nước. Ha ha ha. Nước ngoài cũng thích đồ đạc của chúng ta."
"Chứ gì nữa, lần trước có một người nước ngoài đến chỗ tôi ăn, còn hỏi điện thoại của tôi đến từ đâu, tôi chỉ nói hàng trong nước."
Một nhà năm người đi ngang qua, Hứa Nam Nam nhoẻn miệng cười.
Lịch sử có sự cố chấp tiến về phía trước theo quỹ đạo của nó. May mà, trong quá trình tiến tới này, có một số thứ có thể thay đổi được.
Ngày hôm sau hai người đưa mấy đứa con đến thôn họ Hứa một chuyến.
Hứa Nam Nam vẫn luôn cảm thấy thôn này là cội nguồn của cô.
Bạn cần đăng nhập để bình luận