Hiệp Đạo Xuyên Đường Triều

Chương 816: Quyền lực và đạo đức

.Nhiều người nói chính khách đều là một thứ đức hạnh, cách nói này có vẻ không ổn cho lắm.
.Bởi mỗi một ngành nghề đều có đặc tính riêng của nó, cho dù là dây chuyền sản xuất trong công xưởng cũng không phải là ngoại lệ. Chính trị đương nhiên cũng có đặc tính của nó. Nhưng mà chính trị thực ra cũng mang đầy tính cá nhân hóa. Cùng là một việc, cùng một ý nghĩa, nhưng do những chính khách khác nhau nói ra thì cảm thấy hoàn toàn khác biệt. Có những chính khách phóng khoáng, ông ta sẽ mang cái sự phóng khoáng đó vào chính trị. Lại có chính khách cẩn trọng, thì con đường chính trị của ông ta mang đầy đặc tính cẩn trọng ấy. Chứ không phải chính trị thay đổi cá tính của họ, chính là cái gọi là giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.
.Việc trong nhà Bệ Hạ, sao phải hỏi người ngoài!
.Đó là câu trả lời của phong cách Lý Tích.
.Việc nhà của ngươi, ngươi lại tới hỏi ta, ngươi đùa đấy à?
.Vô cùng trung lập.
.Chẳng còn gì trung lập hơn vậy nữa.
.Lý Trị nghe xong có chút ngỡ ngàng, đã nói là sẽ giúp ta rồi, sao lại trở nên trung lập như vậy. Đoạn liếc nhìn Lý Tích, Lý Tích vẫn bình thản như không, trông thật chán nản, cứ như thể chẳng có liên quan gì đến ông ta vậy.
.Kì lạ! Lý Trị nhíu mày trâm ngâm một hồi, đột nhiên tỉnh ngộ.
.Lời này của Lý Tích có hàm ý thật sâu xa, tầng ý nghĩa thứ nhất là, Hoàng Đế ngươi muốn lập Hoàng Hậu, đây là việc riêng của Hoàng Đế, không nên hỏi ta, bởi vì ta là người ngoài mà. Nhưng nếu quả là như vậy, thì Lý Tích hà tất không trực tiếp nói là "thần", cớ sao phải nói là "người ngoài". Từ đó có thể suy luận ra tầng ý nghĩa thứ hai, đó là không chỉ là ta, người khác cũng là người ngoài, cũng không nên hỏi, ngươi tự mình quyết định là được. Từ đó có thể thấy, Chử Toại Lương đương nhiên cũng là người ngoài, không nhất thiết phải trưng cầu ý kiến của ông ta.
.Tổng kết lại chỉ có một ý thế này, ngươi là Hoàng Đế, ngươi phải biết tự đưa ra quyết định.
.Thực ra vẫn còn một tầng ý nghĩa nữa, đó là Lý Tích không muốn hổ thẹn với Lý Thế Dân. Trong lòng ông ta không tán thành việc lập Võ Chiêu Nghi thành Hoàng Hậu, tuy nhiên cục thế trước mắt không cho phép ông ta nói vậy, cách trả lời này đã rất khéo léo tránh qua cái điểm này. Sau này có xuống suối vàng gặp Lý Thế Dân, ông ta hoàn toàn có thể nói, thần không ủng hộ, là do con trai Bệ Hạ tự quyết định, chẳng liên quan chút gì đến thần cả, thần chỉ là tận trung mà thôi.
.Chỉ một câu nói đơn giản như thế cũng đủ để thể hiện cái trí tuệ cả đời của Lý Tích.
.Nhưng bất luận thế nào, đó vẫn là sự ủng hộ lớn nhất dành cho Lý Trị.
.Lý Trị thực sự muốn điều gì? Không phải là ai làm Hoàng Hậu, điều này đối với y mà nói thì thế nào cũng được. Y muốn nắm quyền, muốn tự mình làm chủ.
.Ngươi hỏi Trưởng Tôn Vô Kỵ, ông ta phản đối, ngươi hỏi ta, ta đồng ý. Bất luận là đồng ý hay phản đối, đó vẫn không phải là chủ kiến của ngươi, chỉ là thay một người khác thì lại có một ý kiến khác mà thôi.
.Bất luận là lập hay phế, ngươi cứ đập bàn tự mình quyết định là được.
.Đám người Hứa Kinh Tông cũng kiến nghị Lý Trị lập Võ Mị Nương làm Hoàng Hậu, nhưng do tính cách khác biệt, cho nên kiến nghị của bọn họ quá bừa bãi, không thận trọng như Lý Tích. Từ một góc độ khác có thể thấy, mọi người không có cùng một tầng suy nghĩ. Tại sao Lý Tích tài giỏi vậy, Hứa Kinh Tông sao vẫn cứ buồn bực bất đắc chí. Nói tóm lại, vẫn là sự cách biệt lớn về tư tưởng và năng lực, đó là thứ không thể vượt qua được.
.Chỉ một câu nói ngắn gọn, còn hơn cả thiên ngôn vạn ngữ.
.Lý Trị ngầm tán thưởng trong lòng, đây mới là trung thần chân chính chứ!
.Câu nói của Lý Tích đã khiến Lý Trị hạ quyết tâm. Bất luận ai phản đối, y vẫn quyết lập Võ Mị Nương làm Hoàng Hậu.
.Hai người cũng chỉ giao tiếp có như vậy, bởi câu nói này của Lý Tích đã là lời tổng kết rồi, việc này ngươi đừng có hỏi ta, vậy thì Lý Trị đương nhiên sẽ không hỏi nữa, không hỏi nữa thì cũng chẳng còn gì mà nói cả.
.Hứa phủ.
.- Cữu cữu, hiện giờ bệ hạ đã có được sự ủng hộ của Đại Tư Không rồi, sao cữu cữu vẫn đăm chiêu u dột vậy?
.Vương Đức Kiệm thấy Hứa Kính Tông ngồi trên ghế, vô cùng cô quạnh, mặt mày nhăn nhó, trong lòng vô cùng buồn bực. Lý Tích đã tham chiến rồi, thế cục của bọn họ là vô cùng sáng sủa cơ mà.
.Hứa Kính Tông thở dài nói: - Mặc dù là vậy, nhưng ngươi chớ quên Lý Tích là do ai mời tới.
.Vương Đức Kiệm khẽ nhíu mày rồi nói: - Cữu cữu lo lắng về Hàn Nghệ?
.Hứa Kính Tông gật đầu nói: - Người này đê tiện giảo hoạt, ân oán giữa ta và hắn khá sâu đậm, nếu như hắn ngồi trên đầu ta, e rằng ta không còn đường tiến thân nữa. Mà cũng chẳng hiểu sao hắn lại có thể mời được Lý Tích xuống núi.
.Lấy lòng mình mà đo bụng dạ người khác, đó chẳng phải là hành động tiểu nhân gì, mà là nhân tính. Bất kể tiểu nhân hay quân tử, đều thích làm điều đó. Hứa Tông Kính thì càng nổi trội, ông ta hết lần này đến lần khác kèn cựa với Hàn Nghệ, đến nay Hàn Nghệ đã lập được đại công như vậy, ông ta cũng lo sợ rồi có lúc Hàn Nghệ sẽ cưỡi lên đầu ông ta.
.Vương Đức Kiệm nói: - Cữu cữu à, cho dù Hàn Nghệ có lập công lớn như thế, nhưng hắn có gì đáng sợ đâu. Hắn chẳng qua cũng là người mà thôi, hơn nữa Lý Trung Thư và Thôi đại phu cũng đâu có thân thiết gì với hắn. Cữu cữu nghĩ vậy, lẽ nào Lý Trung Thư và Thôi đại phu cũng không nghĩ như cữu cữu sao?
.Hứa Tông Kính gật đầu như đang ngẫm nghĩ điều gì, sau đó lại nói tiếp: - Nhưng công lao này không thể để Hàn Nghệ một mình cuỗm mất, ta cũng phải làm điều gì đó.
.Vương Đức Kiệm dù sao vẫn được mệnh danh là túi trí tuệ, đoạn nghĩ một lúc rồi nói: - Cữu cữu à, cữu cữu nên chú tâm đến sở trường của mình.
.Hứa Kính Tông nói:
.- Thế nghĩa là sao?
.Vương Đức Kiệm nói: - Gần đây hai người Môn hạ thị trung Hàn Viện và Trung thư lệnh Lai Tể đều đang viết lách, phê bình Bệ Hạ và Võ Chiêu Nghi. Mặc dù không đủ ảnh hưởng tới đại cục, nhưng vẫn cứ làm Bệ Hạ đau đầu. Nếu như cữu cữu có thể bút chiến bác bỏ ngôn luận của bọn họ, vậy thì cũng là lập đại công vậy. Hơn nữa việc viết lách chẳng phải là sở trường của cữu cữu đó sao?
.Hứa Kính Tông nghe xong mà khuôn mặt già nua không khỏi đỏ bừng lên. Ông ta đúng là rất có sở trường viết văn chương, vấn đề nằm ở chỗ Hàn Viện, Lai Tể lại càng giỏi hơn, hơn nữa cái lí lại không nằm bên ông ta, nếu như ông ta có thể có chủ ý thì đã sớm viết từ lâu rồi.
.Vương Đức Kiệm thấy Hứa Kính Tông quá mất tự tin, lập tức hiểu ra ngay, đoạn trầm ngâm một hồi rồi nói: - Cữu cữu à, việc viết lách có đại nhã, đại tục, có biết bao nhiêu tuyệt cú thiên cổ lại bắt nguồn từ chốn dơ bẩn lầu xanh, cữu cữu sao không thử đổi con đường khác xem.
.Hứa Kính Tông nghe vậy ngẩn người ra, dường như đang nghĩ đến điều gì đó, rồi rất nhanh chìm vào trầm mặc.
.Hôm sau!
.Hàn Viện, Lai Tể lại tới Hoằng Văn Quán, cùng bàn với các đại thần về việc lập hậu phế hậu. Hiện giờ việc này đã có thể công khai bàn luận, bọn họ cũng chẳng cần thiết phải giấu diếm nữa. Hàn Viện, Lai Tể làm vậy, chẳng gì khác ngoài việc muốn lợi dụng lí luận của các học phái để động viên các đại thần còn lại ủng hộ quan điểm của mình.
.- Ha ha!
.Đúng vào lúc mọi người đang tranh luận kịch liệt, ngoài cửa đột nhiên vang lên một trận cười lớn, chỉ thấy hai người Hứa Kính Tông, Lý Nghĩa Phủ từ bên ngoài đi vào.
.Hàn Viện, Lai Tể nhìn Hứa Kính Tông và Lý Nghĩa Phủ bằng con mắt thù địch.
.Hứa Kính Tông chắp tay cười nói: - Hàn Thị trung, Trung thư lệnh, vừa rồi Hứa mỗ ở bên ngoài có nghe mấy lời diệu luận của hai vị, tuy nhiên Hứa mỗ có ý kiến hơi khác hai vị.
.Hàn Viện bình thản nói: - Xin được nghe cao kiến.
.Hứa Kính Tông cười nói: - Nghĩ tới lão nông ở ngoại thành nếu như thu thêm được mười hộc lúa mạch đã muốn đổi thê tử. Huống hồ Thiên tử muốn lập Hậu, việc này vốn chẳng liên quan gì tới người khác, hà tất phải bàn tán bừa bãi làm gì?
.Lý Nghĩa Phủ lộ vẻ kinh ngạc nhìn Hứa Kính Tông.
.Những quan văn khác thì hỉ mũi dè bỉu.
.Ngươi nói năng gì mà thô tục vậy, lại mang Hoàng đế ra xếp cùng với lão nông, lấy thứ vô đạo đức ra làm lí mà nói, thật là lố bịch quá.
.Đây là ở Hoằng Văn Quán, là nơi đại diện cho tinh hoa văn hóa của Đại Đường, xem ra tay Hứa Kính Tông này trong bụng đã chẳng còn chữ nào rồi, lại có thể nói ra những lời không biết hổ thẹn như vậy.
.Nhưng Hàn Viện, Lai Tế nghe xong lại nheo mày lộ một vẻ lo lắng.
.Có câu nói rất hay rằng, lời thô ý không thô.
.Hứa Kính Tông dù thế nào thì cũng xuất thân danh gia vọng tộc, hơn nữa lại giỏi văn chương, không thì ông ta sao có thể vào Hoằng Văn Quán được, tại sao một đại học sĩ nổi tiếng như vậy lại lấy lão nông ra ví với Hoàng đế?
.Chắc chắn không phải là ăn nói vu vơ, để tự làm tổn hại danh dự rồi. Thực ra nhìn từ phương diện khác, cách ví von này cũng có điểm xác đáng của nó. Đó là Hoàng đế thân là vua một nước, ngay cả cái quyền của một lão nông còn chẳng bằng. Đây mới là ý nghĩa trọng tâm của câu nói. Trọng điểm mà Hứa Kính Tông muốn làm nổi bật đó là Hoàng đế bây giờ không có quyền lực, đừng có lôi mấy cái đạo đức đạo lí vào đây, cái ta đang nói là chính trị.
.Câu nói này đã khiến cho tất cả lí luận của Hàn Viện, Lai Tể bị dẹp sang một bên hết.
.Các ngươi thích nói đạo lí thì ta không nói đạo lí với các ngươi nữa. Bọn ta nói về quyền lực, về hoàng quyền, vậy rốt cuộc hoàng quyền to hay đạo lí to? Chúng ta thử đọ xem sao.
.Hoàng đế làm vậy thì phải trách ai? Chẳng phải là trách cái đám quyền thần các ngươi, suốt ngày chỉ trỏ xui khiến Hoàng đế, quân chả ra quân, thần chả ra thần, tất tần tật là do các ngươi tạo ra cả, các ngươi còn mặt mũi nào mà giảng đạo ở đây, thật là không biết xấu hổ.
.Lý Nghĩa Phủ lúc này mới đột nhiên hiểu ra vấn đề, trong lòng trầm trồ, câu nói diệu quá!
.Phía bên cạnh cũng có rất nhiều đại thần lúc này cũng tỉnh ngộ. Các ngươi muốn giảng đạo lí ở đây, vậy khác nào đang coi nhẹ hoàng quyền, việc này phải cân nhắc cho kĩ, đừng có giảng đạo lí mà phải mất mạng.
.Rất nhiều đại thần âm thầm dịch chuyển bước chân, giữ khoảng cách với Hàn Viện, Lai Tể.
.Lý Nghĩa Phủ vốn thông minh nên không cam chịu là kẻ đến sau, y lập tức mượn hoa hiến Phật, đem lời này truyền lại với Võ Mị Nương. Tại sao lại nói với Võ Mị Nương mà không trực tiếp nói cho Lý Trị, đó là bởi câu nói này thô tục quá, nói thẳng với Hoàng đế thì chẳng hay ho gì.
.Võ Mị Nương nghe xong, không khỏi mừng vui khôn xiết, thật là song hỉ lâm môn. Thế là lập tức động viên thế lực của mình, tuyên dương khắp triều câu nói này.
.Nó đã trực tiếp tạo ra cuộc chiến giữa hoàng quyền và đạo đức.
.Mặc dù cả hai thứ đều rất quan trọng, nhưng một khi đã rơi vào cảnh phải chọn một trong hai, là thần tử thì đương nhiên sẽ chọn đứng về phía hoàng quyền. Đúng như cái gọi là "Thiên hạ rộng lớn, đâu cũng là đất của vua; dân chúng ở đó, ai cũng là thần của vua.
.Năm xưa Lý Thế Dân giết huynh giết đệ, ép cha thoái vị, lẽ nào hợp với đạo đức sao?
.Đương nhiên là không hợp.
.Thế nhưng Lý Thế Dân vẫn cứ được chúng dân ủng hộ, hơn nữa còn trở thành một đấng minh quân. Từ đó có thể thấy, đạo đức đứng trước hoàng quyền thì chẳng đáng để nhắc đến.
.Còn Lý Tích nhiều năm im lặng thì rốt cuộc đã lên tiếng. Dù sao thì cơ hội chính trị bày ra trước mặt, ông ta chỉ cần lên tiếng thì sẽ có sức mạnh to lớn. Các lão bộ hạ trước kia lần lượt cởi bỏ lớp vỏ bọc trung lập, cùng nhau trình tấu ủng hộ phế Vương lập Võ.
.Chỉ trong một hai ngày này, cục thế trong triều phát sinh sự đảo nghịch to lớn.
.Trưởng Tôn Vô Kỵ vốn đức cao vọng trọng, quyền khuynh triều dã, thì nay đã về bên thiểu số, ngôn luận của bọn họ cũng chẳng còn được xem trọng, căn bản là chẳng còn ai nghe theo bọn họ nữa, coi như tự biên tự diễn thôi.
.Bản chất của sự việc này tới đây đã bộc lộ trần trụi trước mặt.
.Phế Vương lập Võ, nhìn mặt chữ thì đơn thuần chỉ là Hoàng đế đổi người vợ mới mà thôi, việc này thực ra cũng hoàn toàn bình thường. Nhưng ý nghĩa thực chất của nó không đơn giản chỉ là đổi vợ, mà là Hoàng đế muốn nắm quyền. Việc Hoàng đế nắm quyền lại chắc chắn tổn hại tới lợi ích của Trưởng Tôn Vô Kỵ.
.Hiện giờ triều đường chẳng còn giảng đạo lí nữa, mà chỉ bàn về Hoàng quyền ngày một suy yếu, lấy gì ra để chứng minh cho điểm này? Đổi vợ là minh chứng rõ nhất.
.Một lão nông đổi bà vợ mới còn đơn giản đến vậy, Hoàng đế đổi vợ sao lại khó khăn thế này?
.Điều này đối với Trưởng Tôn Vô Kỵ mà nói, có thể nói là một sự đả kích chí mạng.
Bạn cần đăng nhập để bình luận